Thẻ SIM không gắn với nhà mạng hứa hẹn sẽ mang đến nhiều tiện ích hơn cho người dùng cũng như tiết kiệm chi phí sử dụng.
Có một thực tế là thẻ SIM hiện nay được phát hành bởi các nhà mạng viễn thông đã gây ra không ít khó khăn cho việc quản lí của các nước sở tại và mang tới nhiều bất tiện cho cả người dùng di động. Theo một số chuyên gia nhận định, nếu thế hệ thẻ SIM không gắn với nhà mạng được phát hành, sẽ có ít nhiều những lợi ích trước mắt đối với người dùng và cả các hãng sản xuất điện thoại.
Hãy thử hình dung khi SIM tự do ra đời, những tập đoàn như Samsung hay Apple đều có thể tung ra các mẫu smartphone được tích hợp sẵn thẻ SIM với giá thành rẻ hơn. Kết nối mạng của người dùng có thể thay đổi theo ý thích. Trong khi đó, các nhà cung cấp mạng viễn thông sẽ phải cạnh tranh để đưa ra dịch vụ tốt hơn và thu hút người dùng. Vậy đâu là những cơ hội dành cho SIM tự do?
Thẻ SIM thế hệ mới sẽ tích hợp nhiều dịch vụ cùng lúc
Thông tin mới đây cho biết Hà Lan đã nới lỏng các quy định liên quan đến thẻ SIM và tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các nhà cung cấp dịch vụ. Người dùng sẽ không còn lo lắng tới việc thường xuyên bị mất sóng di động khi chuyển vùng mà có thể tự do lựa chọn nhà mạng đem đến chất lượng tốt nhất tại vùng phủ mới. Ngoài ra, tại một số nước châu Âu, người ta đã tích hợp rất nhiều dịch vụ trên thẻ SIM như mobile Internet, mobile TV, mua hàng trực tuyến, y tế, giáo dục,…
Tại Việt Nam, tuy những dịch vụ từ các nhà mạng lớn như Viettel, VinaPhone hay MobiFone đã mang đến ít nhiều tiện ích cho người dùng nhưng việc mỗi dịch vụ sẽ sử dụng một SIM từ các nhà mạng khác nhau lại gây ra rất nhiều tốn kém. Do đó, một công nghệ SIM mới ra đời có thể tích hợp tất cả các dịch vụ trên mà không phải lo tới sự ràng buộc của bất kì nhà mạng nào sẽ là một ý tưởng không tồi trong thực trạng hiện nay.
Phương thức quản lí thông minh
Hiện nay, người ta nhắc rất nhiều đến hiện tượng tin tặc, hacker hay spam,…nhưng vẫn chưa có được biện pháp triệt để giải quyết vấn đề này. Lí do là đã có quá nhiều lỗ hổng từ phía các nhà mạng cũng như việc SIM thẻ được sản xuất tràn lan. Tại Hà Lan, các nhà chức trách dự kiến sẽ đưa ra biện pháp quản lí mới đối với SIM thẻ hiện nay bằng cách gắn cho chúng một ID trọn đời giống như chứng minh thư hoặc bằng lái xe. Cụ thể, số ID sẽ bao gồm một mã di động trong nước, một mã di động quốc tế và một mã nhận dạng thuê bao di động.
Ý tưởng trên không chỉ giúp giải quyết những vấn nạn trước mắt mà còn giảm được chi phí chuyển đổi thuê bao hết sức tốn kém cho người dùng. Trong tương lai, sau các thiết bị di động, SIM thông minh này còn có thể sử dụng cho cả xe hơi và máy ảnh.
Tiết kiệm chi phí cho người dùng
Như đã nói ở trên, việc tự do hóa SIM thẻ sẽ mang tới nhiều lợi ích cho người dùng nhưng lại là điểm bất lợi cho các công ty viễn thông trong khi họ đang hái ra tiền trong lĩnh vực này. Đa phần, các nhà mạng sẽ đưa ra rất nhiều gói cước nhưng đều chỉ giới hạn trong một định mức mà sau đó, nếu muốn sử dụng thêm, người dùng sẽ phải bỏ ra rất nhiều tiền cho mức phát sinh đó. Ví dụ khi bạn đăng kí gói data M50 của VinaPhone, nhà mạng sẽ tặng cho bạn 500 MB miễn phí và cước phát sinh sẽ là 0,5đ/KB. Trường hợp không hay có thể xảy ra đó là khi chúng ta sử dụng nhiều thiết bị cùng lúc như smartphone, tablet, đồng hồ, máy ảnh và chúng đều đã hết lưu lượng data. Lúc này, việc ra đời SIM tự do sẽ như một vị cứu tinh, giúp chúng ta có thể chọn lựa thêm những gói dịch vụ từ các nhà mạng khác, tránh việc phải trả phí đắt đỏ trong khi chất lượng dịch vụ lại không được như mong muốn. Giả sử sau khi dùng hết gói M50 trên, bạn hoàn toàn có thể chuyển sang dùng gói M25 của MobiFone với mức giá ưu đãi hơn. Ngoài ra, người dùng còn tiết kiệm được chi phí liên quan đến việc chuyển vùng thuê bao khá đắt đỏ trong khi có rất nhiều lựa chọn khác.
Tăng chất lượng cuộc gọi trong nhà
Hiện nay trên thế giới, người ta vẫn đau đầu về việc điện thoại di động thường không nhận được sóng hoặc khả năng bắt sóng rất yếu trong các tòa nhà cao tầng. Nhất là tại Việt Nam, dù các nhà mạng luôn nỗ lực mở rộng vùng phủ sóng hay tăng cường chất lượng cuộc gọi thì việc này đều tỏ ra không có kết quả. Trong khi đó, rất nhiều các tổ chức đã luôn mong muốn được tự thiết lập hệ thống di động cho riêng mình nhằm đảm bảo khả năng liên lạc cũng như tính bảo mật cho người sử dụng.
Đối với hầu hết quốc gia, việc này bị cấm và cho là không hợp pháp. Hà Lan là một ngoại lệ, sau khi thông qua sửa đổi Luật viễn thông, có hơn 3000 tổ chức tại nước này đã lên kế hoạch đưa ra một mạng điện thoại GSM tần số thấp cho riêng mình bao gồm nhiều bệnh viện, trường học và cả các cơ quan lập pháp. Ngoài việc sử dụng Wi-Fi, việc sử dụng SIM không bị ràng buộc với các nhà mạng chắc chắn là một giải pháp hữu hiệu nhằm tăng chất lượng các cuộc gọi trong nhà.
Cuộc đua mới dành cho các nhà mạng di động
Động thái mới đây ở Hà Lan sẽ là một bước đi tích cực đối với ngành viễn thông nhưng nó cần có một lộ trình dài để hiện thực hóa trong tương lai. Điều này cũng hết sức phù hợp với xu hướng của thế giới hiện nay đó là tự do hóa hơn nữa trong lĩnh vực liên lạc không dây và có thể cho phép người dùng thay đổi mạng mà không cần chuyển đổi thẻ SIM thậm chí là cả chuyển vùng quốc tế.
Ngoài ra, người dùng còn tránh được việc các nhà mạng liên kết với nhau nhằm tăng giá thành dịch vụ trong khi chất lượng vẫn kém xa với kì vọng, điển hình là cách đây ít lâu, ba ông lớn của Việt Nam là Viettel, VinaPhone và MobiFone đã bắt tay cùng tăng giá 3G gây nhiều bức xúc trong dư luận. Những thay đổi này có thể tạo ra một thị trường năng động hơn cũng như tăng cường sự cạnh tranh giữa các nhà mạng. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều câu hỏi xoay quanh tính xác thực của ý tưởng trên nhưng xét cho cùng, người hưởng lợi nhiều nhất từ việc ra đời SIM tự do chính là người dùng di động.
Theo Genk/AndroidAuthority
Bài viết hiện đăng tải tại http://phuoctien.blogspot.com
No comments:
Post a Comment