Giới thạo tin ở Thung lũng Silicon đang kháo nhau rằng Facebook chính là một Yahoo thứ hai, nhưng CEO của Facebook Mark Zuckerberg đang làm tất cả để chứng minh điều ngược lại.
Tại sao một công ty lớn và đang phất lên như Facebook lại bị so sánh với “bà già” Yahoo? Bởi vì Facebook đang gặp phải vấn đề mà Yahoo từng mắc phải trước kia.
Giao diện mới 'cổ đại' của Facebook
Cuối năm trước, Facebook đã dừng việc ra mắt giao diện “lung linh” mới của mạng xã hội lớn nhất thế giới. Lí do rất đơn giản: Bản thiết kế mới tuy đẹp, nhưng chỉ phù hợp với các màn hình lớn và sắc nét. Vì thế, những chiếc vi tính cũ hơn và màn hình rẻ tiền “bó tay” trước giao diện này.
Bởi vậy mà gần đây, nhiều người ca thán về việc giao diện Facebook của họ bị đổi ngược lại như hồi năm 2009, với việc hiển thị nhỏ hơn và không thoải mái. Tuy nhiên, điều này lại là rất phù hợp với đại đa số người dùng Facebook.
Chính việc Facebook không thể có một đột phá về thiết kế vì sự quá phổ biến của mình khiến hãng bị so với Yahoo. Yahoo đã từng phải vật lộn với nan đề cổ điển của sự cách tân.
Bài toán khó khi những "ông trùm" công nghệ muốn đổi mới
Yahoo đã từng là kẻ thống trị thế giới internet những năm 1990 và đầu những năm 2000. Và đã từng có nhiều ý tưởng đổi mới trang Yahoo.com, nhưng đành “bó tay” bởi hãng đang phải phục vụ một lượng lớn người dùng. Bởi nếu Yahoo thay đổi, phần lớn người dùng của hãng sẽ khó dùng trang Yahoo.com hơn, hoặc không sử dụng đầy đủ các tính năng mà trang cung cấp.
Điều đó đã khiến Yahoo khó cạnh tranh với các công ty nhỏ hơn. Các công ty này không bị gắn vào lượng lớn người dùng như Yahoo và có thể thoải mái đưa ra những cải tiến của mình. Và rồi, trong số những công ty nhỏ phải sống dưới “cái bóng” của Yahoo ấy, nay Facebook và Google đang trở nên to lớn và đang xâm thực vào phần lợi nhuận còn lại ít ỏi của Yahoo.
Giờ thì Facebook chính là kẻ phải đối mặt bài toán đã khiến lão làng Yahoo xuống dốc.
Hãng chẳng thể nào thiết kế lại một giao diện hiện đại cho người dùng của năm 2017, mà không làm phiền lòng hàng tỉ người dùng đã theo hãng từ năm 2004.
Điều đó khiến Facebook trở nên dễ bị tổn thương trước các công ty khởi nghiệp. Các công ty mới hiện đang xây dựng nhiều công cụ xã hội tùy biến cho tablet, điện thoại và máy tính với các công nghệ mới nhất. Những công ty này sẽ không phải để ý tới hàng tỉ người dùng, cho tới khi họ lấy đi hàng tỉ USD doanh thu quảng cáo mà nhẽ ra thuộc về Facebook.
Nhưng có lẽ CEO Mark Zuckerberg đã nhận ra sự giống nhau giữa Facebook vàYahoo từ năm 2005, và anh đang làm rất nhiều việc để ngăn chặn “vết xe đổ” ấy.
Facebook đã tung rất nhiều tiền để mua những đối thủ cạnh tranh hoặc các công nghệ mới. Trong vòng 16 tháng qua, Facebook đã tung 22 tỉ USD ra để mua Instagram, Whatsapp và Oculus. Hai trong số đó, Instagram và Whatsapp có thể coi là đối thủ của Facebook ở thị trường mạng xã hội cho di động, còn Oculus chính là một công nghệ mới rất có thể trở thành nền tảng đại chúng như Facebook hiện nay. Đó là chưa kể hàng chục startup nhỏ khác được công ty này mua lại.
Vậy, liệu Yahoo có từng làm như Facebook hiện tại?
Bài học đau lòng của Yahoo
Thực sự là có một câu chuyện như vậy. Nhưng Yahoo đã không thành công.
Vào năm 2006, Yahoo đã có cơ hội mua lại một công ty khởi nghiệp đang phát triển nhanh chóng, và tới nay công ty này đã có giá trị lên tới hơn 150 tỉ USD. Hội đồng quản trị Yahoo và của công ty khởi nghiệp đã chuẩn y quyết định bán công ty đó cho Yahoo với giá 1 tỉ USD.
Nhưng vào “phút thứ 89”, CEO của Yahoo lúc bấy giờ là Terry Semel đã quyết định rằng cái giá 1 tỉ USD là quá cao và đưa ra giá 850 triệu USD. Mức giá này được CFO của Yahoo là Sue Decker đưa ra, bởi ông nghĩ rằng cái giá đó phù hợp với công ty khởi nghiệp kia hơn.
Có một điều mà ông Semel không ngờ tới là vị CEO trẻ tuổi kia không hề muốn bán công ty của mình. Nhưng trước đó anh đã từng nói với các lãnh đạo của công ty mình rằng nếu ai ra giá 1 tỉ USD, anh sẽ bán công ty.
Và thế là khi Yahoo đưa ra giá 1 tỉ USD, vị CEO trẻ đã rơi vào thế “há miệng mắc quai” với ban lãnh đạo của mình. Vì thế mà thương vụ mới được nhanh chóng thông qua. Khi Semel mặc cả với giá 850 triệu USD, vị CEO kia mới có cớ mà dừng thương vụ lại.
Đó là câu chuyện vì muốn tiết kiệm 150 triệu USD, mà Yahoo vuột mất công ty nay nay có giá hơn 150 tỉ USD.
Và công ty đó chính là Facebook. Vị CEO trẻ dã từ chối lời đề nghị 850 triệu USD chính là Mark Zuckerberg.
Bài học đầu đời khiến cho Zuckerberg rút ra kết luận rằng khi anh đã chuẩn bị đưa ra quyết định mua một công ty lớn, anh sẽ không ngần ngại việc mất thêm một số tiền nhỏ nữa. Bởi số tiền đó nếu so với giá trị công ty khởi nghiệp hiện tại thì khá lớn, nhưng nó chẳng là gì so với tương lai của công ty khởi nghiệp trên.
Thêm nữa, trong ngành công nghệ có tốc độ thay đổi chóng mặt này, mua lại chính là cách giải quyết những nan đề về sự cải tiến. Nếu như công ty được mua lại không giúp Facebook giải quyết vấn đề, Facebook sẽ thất bại. Vì Facebook hiện tại không mong gì việc cải tiến chính hãng, trước những nan đề mà hơn 1 tỉ người dùng đang “buộc” vào mạng xã hội này.
Theo Trí Thức Trẻ/Elexonic
No comments:
Post a Comment