Sunday, January 12, 2014

Công nghệ phát triển - thủ phạm làm suy giảm chức năng bộ nhớ

Không thể phủ nhận sự phát triển của công nghệ thông tin thay đổi cơ bản cuộc sống của con người nhưng mặt trái của nó còn là sự can thiệp, thậm chí là làm suy yếu chức năng của bộ nhớ.
Ảnh
Dưới đây là những khía cạnh nổi bật mà công nghệ ảnh hưởng tiêu cực đến bộ nhớ của chúng ta:

Khó lưu giữ vì quá tải thông tin

Hầu hết mọi người đều khó quản lí hiệu quả thông tin tiếp nhận khi mà lượng thông tin liên tục quá tải như hiện nay. Hình ảnh bộ nhớ phải làm việc trong tình trạng quá tải thông tin được ví như rót liên tục vào một li nước tràn. Khi đó, nước ở miệng li phải trào ra thì nước mới đi xuống được.
Chúng ta liên tục quên các thông tin vừa tiếp nhận vào bởi chưa kịp ghi nhớ thì đã phải đón nhận nguồn tin mới, hoặc giả chỉ có thể nhớ một chi tiết nào đó đặc biệt. Điều này có nghĩa thật khó để chuyển hóa thông tin, cuối cùng là cảm giác choáng ngợp bởi vô số sự kiện mà không thể kết nối chúng thành một câu chuyện có ý nghĩa.

Internet trở thành “ổ đĩa cứng” của não

Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng khi chúng ta biết đến một thiết bị hoặc một công cụ kĩ thuật số nào đó, chúng ta càng ít khả năng ghi nhớ cho chính mình. Trong quá khứ, kiến thức hay thông tin được lấp đầy bằng quá trình tương tác xã hội, nghĩa là thông tin đã biết được chia sẻ với người khác và lần lượt dựa vào người khác để ghi nhớ thông tin chưa biết hoặc gợi lại thông tin đã quên.
Nhưng hiện tại, Internet đã làm thay công việc đó. Với việc truy cập trực tuyến dễ dàng, tiện lợi, nhiều người cho rằng nếu cần thông tin gì, chỉ cần tìm kiếm trên Internet là đủ nên chủ quan không cố nhớ. Điều này dẫn đến con người càng phụ thuộc vào Internet hơn.

Phân tâm nên khó nhớ lâu

Bộ phim mà bạn xem lướt trên truyền hình tối qua, vài ngày sau hỏi đến có thể bạn không thể nhớ được nhiều chi tiết. Đó là bởi tập trung chú ý là chìa khóa để hình thành kí ức sâu, trong khi cuộc sống bận rộn khiến chúng ta dễ bị phân tâm.
Năm 2012, tại Viện công nghệ Massachusetts, các nhà nghiên cứu xác định một mạch thần kinh giúp não bộ tạo ra trí nhớ dài hạn, các mạch này làm việc hiệu quả hơn khi não tích cực chú ý đến những gì mà mắt đang nhìn thấy. Nhiều nghiên cứu cũng đã phát hiện ra rằng khi học sinh cùng lúc phải học nhiều thứ, họ hiểu và giữ lại ít thông tin hơn.

“Đãng trí tuổi già” gia tăng ở người trẻ

Dữ liệu gần đây cho thấy, hiện tượng mà các nhà khoa học gọi là “đãng trí tuổi già” đang ngày càng trở nên phổ biến trong những người trẻ và một phần nguyên nhân là do dựa quá nhiều vào công nghệ.
Một cuộc thăm dò quốc gia ở Mỹ năm 2013 phát hiện ra rằng “thế hệ vàng” (tuổi từ 18-34) có tỉ lệ quên nhiều hơn so với những người trên 55 tuổi khi được hỏi chính xác về ngày tháng (15% so với 7%) hay nơi họ đang cất chìa khóa (14% so với 8%).
Mức độ căng thẳng tăng cao cũng là một yếu tố dẫn đến sự đãng trí, trầm cảm và phán đoán kém. Cũng qua thăm dò, các nhà khoa học cho biết, tỉ lệ thanh niên được chẩn đoán ADHD (tăng động kém chú ý) cũng tăng cao. Đây là thế hệ công dân làm nhiều việc cùng lúc với sự hỗ trợ của công nghệ, bận rộn và thiếu ngủ nên mức độ hay quên cũng tăng lên.
Theo An Ninh Thủ Đô
Bài viết hiện đăng tải tại http://phuoctien.blogspot.com

No comments:

Post a Comment