Máy tính phát hiện hành vi phạm tội trước khi chúng xảy ra và máy quay “cảm” được tâm lí tội phạm là những công nghệ nhiều hứa hẹn.
Viễn cảnh phá án trước khi xảy ra như trong bộ phim RoboCop sắp trình chiếu được đánh giá là gần hơn vẫn tưởng. Trên thực tế, một số công nghệ hiện đại hỗ trợ cảnh sát đã bắt đầu hình thành trong các phòng thí nghiệm trên thế giới, như thiết bị bay tự hành (UAV) tốc độ cao lùng sục tội phạm trong đám đông và kính tương tác thực tế ảo dành cho cảnh sát. Trong khi đó, phần mềm tối tân có thể phân tích hàng triệu mẩu dữ liệu từ website để dự đoán hoạt động phạm tội đang được triển khai. Thậm chí có chuyên gia còn tự tin nói rằng với tốc độ phát triển công nghệ như vậy, một ngày không xa có thể sạch bóng tội phạm. “Công nghệ sẽ khiến kẻ phạm tội không thể nào thực hiện được âm mưu tại các xã hội Tây phương”, MailOnline dẫn lời chuyên gia robot Ben Way.
Sau đây là một số công nghệ phá án sẽ sớm được áp dụng tại các nước phát triển:
RoboCop đời thực
Các phòng thí nghiệm đang nghiên cứu RoboCop đời đầu kết hợp giữa công nghệ robot với do thám. “Robot sẽ tạo nên khác biệt lớn trong lĩnh vực theo dõi và lần theo dấu vết kẻ phạm tội, cũng như trong những trường hợp đụng độ trực tiếp”, theo chuyên gia Way. Chính phủ Mỹ đang dẫn đầu trào lưu mới, và đơn vị nghiên cứu quốc phòng DARPA vừa tổ chức sự kiện “người sắt”, trong đó các robot hình người trình diễn các động tác đi, đứng, chạy và nhảy để vượt qua các chướng ngại vật trên đường. Còn tại Thung lũng Silicon, hàng chục công ty đang phát triển robot đa năng, từ hỗ trợ cảnh sát và binh lính vận chuyển vũ khí đến máy bay tự hành đảm nhiệm chức năng do thám. Một công ty tên Knightscope đang phát triển "cỗ máy dữ liệu tự động R5", có bề ngoài giống như con lai giữa R2-D2 và robot trong phim Lost in Space. Knightscope đang hướng đến dòng robot di động làm công cụ an ninh cho các cơ sở kinh doanh. Trong khi đó, công nghệ máy bay tự hành cũng nhanh chóng tăng tốc. Nhóm chuyên gia của Đại học Illinois thiết kế các UAV di chuyển theo bầy, dễ dàng được triển khai trong trường hợp nổ ra các cuộc đụng độ trên đường phố, hoặc lướt qua các đám đông để truy bắt tội phạm.
CCTV đoán trước hành vi phạm tội
Các máy theo dõi tại nơi công cộng CCTV đang ngày càng thông minh hơn. Cuộc nghiên cứu do hãng dịch vụ tư vấn RNCOS dự đoán đến cuối năm 2014, thế giới sẽ chi khoảng 23,5 tỉ USD cho việc lắp đặt các hệ thống CCTV mới. Theo đó, dự án Indect do EU tài trợ được thiết kế để quét hệ thống dữ liệu nhằm tìm kiếm hành vi phạm tội, và thậm chí có thể đoán trước những hành động phạm pháp. Ví dụ, Indect sẽ dõi theo các đám đông trong một trận đá bóng và tìm kiếm những dấu hiệu khả nghi. Nó còn có thể phân tích các đoạn băng ghi hình CCTV trong các vụ điều tra. “Vào thời điểm xảy ra khủng hoảng hoặc tấn công, cảnh sát hầu như không thể bao quát hết mọi thông tin cùng đổ dồn về một lúc”, theo Marco Malacarne, người chịu trách nhiệm theo dõi dự án
Indect của Ủy ban châu Âu. Ví dụ cụ thể nhất là vụ đánh bom London vào năm 2005 khiến 52 người thiệt mạng. Lúc đó, hàng trăm cảnh sát buộc phải ngồi trước máy tính và căng mắt tìm những kẻ tình nghi. Trong thời gian tới, công tác khó khăn này sẽ do hệ thống như Indect đảm nhiệm.
Kính phát hiện tội phạm
Google có thể dẫn đầu trong công nghệ kính thông minh, và các lực lượng cảnh sát trên thế giới đang thẩm định tiềm năng ứng dụng của kính Google, nhưng vẫn không theo kịp tốc độ của Meta. Đây là công ty của Mỹ vừa trình làng kính MetaPro, giống như loại của nhân vật chính Tony Stark trong phim Người Sắt, với tầm nhìn rộng hơn kính Google cho phép hiển thị thông tin hiệu quả hơn. Chẳng hạn, một cảnh sát đeo kính MetaPro có thể phát hiện tội phạm trong đám đông, hoặc vạch ra những tuyến đường đào tẩu mà nghi phạm có thể chạy trốn. Dự kiến sẽ được tung ra thị trường vào năm tới với giá 3.000 USD, kính MetaPro được lắp bộ xử lí Intel i5, RAM 4 GB và ổ SSD 128 GB. Cổng phát wifi và bluetooth 4.0 cho phép người dùng kết nối thiết bị này với điện thoại di động hoặc máy tính bảng.
Theo Thanh Niên
Bài viết hiện đăng tải tại http://phuoctien.blogspot.com
No comments:
Post a Comment