Friday, December 11, 2015

Smartphone Việt 2015: Người mới đến, kẻ ra đi

Rầm rộ ra mắt Bphone

Ngày 26/5/2015, Bphone có sự ra mắt "hoành tráng" tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Hà Nôi. Sự kiện này đã thu hút được sự chú ý của cộng đồng yêu công nghệ, người tiêu dùng.



So với các smartphone Việt trước đó, Bphone được đánh giá là chất lượng và cấu hình cao hơn. Bphone sử dụng màn hình IPS LCD, FullHD, 1080 x 1920 pixels, 5 inch, camera chính 13 MP, dung lượng pin 2600 mAh,.... Đi kèm với cấu hình, Bphone nhắm thẳng vào phân khúc smartphone cao cấp với giá thành (bản thấp nhất) 9,99 triệu đồng (chưa VAT). Giá của Bphone tương đương với iPhone 6, Sony Xperia Z3, .... trên thị trường thời điểm đó.

Sau khi chính thức mở bán, Bphone lại dính phải lỗi trục trặc về kĩ thuật như máy nhanh chóng bị "root" (mặc dù tự nhận là an toàn nhất thế giới), giao hàng khi phần mềm chưa hoàn thiện và máy trưng bày bị dính nhiều lỗi (màn hình ám xanh, lag giật, tự khởi động lại)... Ngoài ra hãng còn liên tục lỗi hẹn với người tiêu dùng ở đợt giao hàng đầu tiên. Những thông tin trên không khỏi làm người dùng cảm thấy thất vọng và lo lắng.

Từ việc chỉ bán Bphone qua mạng, Bkav đã chuyển sang trưng bày "siêu phẩm" smartphone của mình tại các showroom bán hàng của hãng. Và sau đó đến tháng 11/2015, Bkav đã phải "xuống nước" áp dụng chính sách mua trả góp Bphone lãi suất 0% và tung sản phẩm ra 1 số đại lí bán lẻ.

Năm 2016, BPhone 2 dự kiến sẽ trình làng vào đầu năm và hi vọng Bkav sẽ rút được những kinh nghiệm và bài học đắt giá từ BPhone đời đầu.

Rovi (HKphone) dời khỏi thị trường?

Sau thời gian kinh doanh các sản phẩm giá rẻ và đổi tên thành Rovi, HKPhone đã không còn khả năng tồn tại và tuyên bố "dừng cuộc chơi".

Rovi (hay trước đây là HKPhone) là một thương hiệu điện thoại sở hữu bởi tập đoàn Linh Trung Tín (LTT Group). Thời gian đầu mới thành lập, HKPhone được biết đến như một sản phẩm nhập từ Hong Kong. Đến 6/2013, HKPhone, tuyên bố trở thành thương hiệu Việt với nhiều mẫu smartphone giá rẻ, cấu hình cao, cạnh tranh trực tiếp với hai hãng di động trong nước Q-mobile và Mobiistar.

Thương hiệu này cũng một thời đình đám khi có chuỗi cửa hàng riêng tại nhiều tỉnh thành, với hai đại sứ hình ảnh là ca sĩ Đan Trường, Tuấn Hưng. Xét về ảnh hưởng trên truyền thông mà marketing, Rovi hay HKphone là cái tên nổi bật nhất trong số các hãng điện thoại thương hiệu Việt.

Tuy nhiên, sau gần 3 năm hoạt động, Rovi (HKphone) không còn duy trì được sức cạnh tranh. Thị phần của các hãng smartphone thương hiệu Việt khiêm tốn hơn nhiều so với các đối thủ ngoại như Samsung, Microsoft, Oppo,... và đã tuyên bố rút khỏi thị trường.

Các thương hiệu khác ra sao?

Một vài thương hiệu Việt khác còn tổn tại trên thị trường như Lotus (VinaPhone), Q-Mobile, Mobiistar, .... trong năm 2015 vẫn chưa thấy có sự "bứt phá" và vẫn theo mô hình kinh doanh smartphone mức giá thấp để duy trì lợi thế cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài. Có hay là việc Q-mobile vừa đổi tên thành "Q" và ra mắt loạt điện thoại chú trọng đến thiết kế thời trang, và Mobiistar cũng đang chuyển mình với nhiều model có thiết kế kim loại nguyên khối.

Thị phần trong năm 2015 ngày càng bị thu hẹp với các thương hiệu smartphone Việt. Thị phần lớn nhất vẫn thuộc về 2 ông lớn Apple và Samsung. Với các nhà sản xuất điện thoại Android, thương hiệu như Oppo, Lenovo hay ASUS cũng đang "vươn lên" trên thị trường Việt Nam.

 Ảnh

Đã qua rồi thời chiếc điện thoại chỉ là một thiết bị nghe gọi, mà là một sự trải nghiệm mang tính cá nhân hóa cao. Chính vì vậy, muốn được chấp nhận, hơn ai hết doanh nghiệp Việt phải trang bị cho mình những sự hiểu biết sâu sắc về người tiêu dùng.

Theo Bizlive.

VN-Zone - Tin nhanh công nghệ - Tin tuc cong nghe - Thong tin cong nghe

No comments:

Post a Comment