Cookie là gì?
Cookie là một tính năng mà các website sử dụng để lưu trữ ở trên máy tính của bạn nhằm "định danh" cho bạn. Hiểu một cách đơn giản, khi bạn truy cập và một trang web, thì trang này sẽ đặt một cookie tại máy đó, thay cho việc liên tục hỏi bạn các thông tin tương tự nhau, còn nếu không, bạn sẽ phải nhập lại thông tin của mình trên mỗi màn hình web. Thông tin duy nhất mà cookie lưu trữ là thông tin mà bản thân bạn chia sẻ với website tạo ra cookie.
Các loại Cookie
Cookie được chia thành 3 loại bao gồm Persistent Cookie, Session Cookie và Cookie bên thứ ba. Persistent Cookie được lưu trên máy tính và không bị xóa đi khi trình duyệt đóng lại, có thể tái sử dụng trong lần truy cập tiếp theo. Session Cookie được lưu trữ tạm thời và sẽ bị xóa khi đóng cửa sổ trình duyệt nhưng vẫn được lưu trữ dưới dạng ID để sử dụng về sau. Cuối cùng là cookie từ bên thứ ba, là loại cookie sử dụng nhiều ở các công ty tiếp thị.
Lợi ích
Với người dùng cá nhân, cookie có thể giúp họ truy cập nhanh hơn các trang web quen thuộc mà không cần phải nhập lại các thông tin nhiều lần. Ví dụ như bạn đăng nhập Facebook 1 lần và nó sẽ giữ cho bạn kết nối ngay lần tiếp theo khi mở trình duyệt mà không cần phải đăng nhập lại.
Trong khi đó với người dùng là doanh nghiệp, nó sẽ giúp chủ doanh nghiệp theo dõi được các hành vi mà người dùng thao tác trên website của mình, lưu trữ thông tin người dùng,... từ đó đưa ra giải pháp cụ thể nhằm tăng lượng truy cập cũng như cải thiện các tính năng để phù hợp hơn với thị hiếu người dùng trang web đó.
Rủi ro
Như đã nói ở trên, việc theo dõi hành vi và thu thập thông tin người dùng sẽ mang lại hậu quả khó lường, đặc biệt là các thông tin liên quan đến tài chính như tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng,... cũng như các thông tin đăng nhập các website, MXH,...
Thiết đặt
Với những ai lo ngại sự mất an toàn của cookie, họ có thể sử dụng các cách sau để có thể xóa cookie sau mỗi lần duyệt web trên Chrome, Firefox hay Internet Explorer:
Với Chrome, bạn chọn biểu tượng trình đơn (có 3 vạch) phía góc phải trình duyệt, sau đó chọn Setting > Show advanced settings > Privacy > Content settings > nhấn vào "Keep local data only until you quit your browser". Cuối cùng bạn nhấn Done và đóng tab Setting lại.
Với Firefox, bạn cũng chọn biểu tượng chiếc bánh "hamburger" ở góc trên bên phải, vào Options. Trong cửa sổ mới nhấp vào tab Privacy, ở phần History chọn Use custom settings for history (Thiết lập tùy biến cho lược sử). Đến bước này, sẽ có một số hộp thoại kiểm tra tự động xuất hiện. Tìm nơi có dòng chữ “Change that setting to I close Firefox” (Chỉ lưu dữ liệu trên máy cho đến khi bạn thoát trình duyệt của mình, tức là giữ cookie cho đến khi tôi đóng Firefox). Cuối cùng nhấn OK để hoàn tất.
Với IE, bạn nhấp vào biểu tượng bánh răng ở góc trên bên phải màn hình, chọn Internet Options > tab General. Ở phần Browsing History ta check vào "Delete browser history on exit", cuối cùng nhấn OK.
Lời khuyên
Nếu bạn không có những thông tin “nhạy cảm” như đã nói ở trên, bạn có thể sử dụng cookie bởi sự tiện lợi của nó. Tuy nhiên, nếu bạn có nhiều giao dịch về tài chính hoặc cần sự bảo mật cao, bạn nên thiết đặt khả năng tự xóa cookie cho trình duyệt của mình hoặc chí ít, bạn nên xóa nó định kì bằng tay hoặc phần mềm thứ ba.
Bên cạnh đó, bạn cũng không nên cho phép cookie lưu trữ thông tin đăng nhập quan trọng và có những cài đặt bảo mật khi chia sẻ thông tin.
Cuối cùng, bạn nên cập nhật trình duyệt của mình lên phiên bản mới nhất một cách thường xuyên nhằm chống lại sự tấn công của mã độc, vi rút,… từ lỗ hổng trình duyệt.
Nguồn Tổng hợp.
VN-Zone - Tin nhanh công nghệ - Tin tuc cong nghe - Thong tin cong nghe
Xem thêm các bài viết khác
No comments:
Post a Comment