iPhone 6 xách tay từ Mỹ
Dù sản phẩm iPhone 6 chỉ mới chỉ ra mắt được chưa đầy hai tháng nhưng nhiều người dân ở Việt Nam trở thành nạn nhân của tình trạng lừa đảo chỉ vì muốn sở hữu chiếc điện thoại này. Đáng chú ý là vụ việc mới xảy ra tại TP HCM cuối tháng 10 vừa qua, không ít người chuyên buôn bán điện thoại trên các trang mạng điện tử như: 5giay, muare, nhattao… đã bị một đối tượng có tên là Nguyễn Duy Linh (trú tại quận Tân Bình, TP HCM) lừa đảo chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng.
Được biết, thông qua một số trang mạng, Nguyễn Duy Linh với nickname “muabanperfume” đã đưa các mẫu iPhone 6, iPhone 6 Plus lên mạng rồi rao thông tin là hàng xách tay từ Mỹ về, giá bán rẻ hơn giá thị trường từ 1-2 triệu đồng/chiếc. Cách thức bán hàng của Linh là yêu cầu khách mua hàng phải đặt cọc trước 50% tổng giá trị đơn hàng, chỉ nhận đặt hàng từ 2 chiếc trở lên, kèm theo đó là lời cam kết hàng chính hãng, có bảo hành và giao hàng đúng hẹn, nếu trễ hợp đồng sẽ đền bù 10% số tiền đặt cọc. Nhiều người trước đó đã mua hàng của Linh thấy hàng xịn, giao hàng đúng thời hạn, giá rẻ nên đã về nhà huy động tiền của người thân đặt cho Linh để mua cả lô hàng nhằm bán lại kiếm lời. Tuy nhiên, những người này đều đã sập bẫy.
Theo các nạn nhân, thủ đoạn của đối tượng Linh tuy cũ nhưng rất tinh vi và kiên nhẫn. Thời gian đầu, Linh giao hàng đúng hẹn nên người đặt càng nhiều và số tiền càng lúc càng tăng lên. Rồi đột nhiên, Linh và các đối tượng trong đường dây lừa biến mất, không thể liên lạc được. Hiện nay, CA TP Hồ Chí Minh đang điều tra để xác minh vụ việc.
Trước đó vào ngày 9/10/2014, Công an TP Bắc Giang (Bắc Giang) phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an bắt giữ đối tượng Trương Quốc Hưng (SN 1991, trú tại phường Ngô Quyền, TP Bắc Giang) để làm rõ về hành vi lừa đảo bán điện thoại iPhone 6 qua trang mạng xã hội Facebook. Do nắm được tâm lí của giới trẻ đang rất muốn sở hữu phiên bản mới nhất của điện thoại iPhone, Trương Quốc Hưng đã lên Facebook khoe mình có người nhà đang sinh sống ở Mỹ nên có nguồn máy điện thoại iPhone 6 chính hãng được xách tay về Việt Nam và đang muốn rao bán. Những người muốn mua hàng đã liên hệ và chuyển vào tài khoản của Hưng với số tiền lên tới gần 400 triệu đồng. Tuy nhiên khi nhận được tiền chuyển khoản, Hưng đã hủy toàn bộ sim điện thoại, thẻ ATM và CMND và biến mất. Hiện Trương Quốc Hưng đang bị Công an TP Bắc Giang tạm giữ để điều tra làm rõ sự việc.
Cho xem hàng thật đưa hàng... nhái
Mặc dù iPhone 6 đã được các đại lí chính hãng phân phối ở tại Việt Nam, tuy nhiên giá điện thoại iPhone 6 chính hãng chênh lệch so với hàng xách tay ngoài thị trường gần 3 triệu đồng. Chính vì sự chênh lệch này mà nhiều khách hàng vẫn ưu tiên dùng hàng iPhone 6 xách tay và đây chính là điều kiện để các đối tượng lừa đảo lợi dụng.
Anh Trần Xuân Hùng (Kim Giang, Hà Nội) sau khi tìm hiểu trên mạng đã gọi điện giao dịch với một phụ nữ được quảng cáo là bán iPhone 6 hàng xách tay từ Mỹ về. Người phụ nữ này hẹn anh Hùng tới ngã tư Nguyễn Khánh Toàn cắt đường Bưởi để giao dịch. Tuy nhiên sau đó người phụ nữ này bảo có việc bận nên nhờ cậu em là một thanh niên ra giao dịch với anh Hùng. Người thanh niên này lấy lí do là hàng xách tay nên khi đi qua hải quan phải gỡ máy ra khỏi hộp. Anh Hùng kiểm tra thì đó đúng là chiếc iPhone 6 màu đen hàng chính hãng. Nhưng khi anh Hùng đi cùng người này vào nhà để lấy phụ kiện, anh ta bảo anh Hùng đứng đợi bên ngoài. Sau đó anh ta đưa điện thoại vào hộp cho anh Hùng nhưng sau khi về nhà, anh Hùng mới phát hiện ra đó chỉ là chiếc iPhone 6 nhái, toàn bộ ruột bên trong đã bị thay đổi và không thể sử dụng được. Khi anh Hùng gọi điện lại thì số điện thoại trên đã khóa máy.
Hàng dựng lại
Nếu như iPhone 6 mới ra mắt là sản phẩm “hot” thì những dòng iPhone cũ hơn như iPhone 5s, 5 thậm chí là iPhone 4s, vẫn là sự lựa chọn của không ít người. Nguyên nhân là do giá iPhone 6 còn quá cao nên người dùng ít tiền lựa chọn iPhone 5, 5s như một sản phẩm tương đương cho thỏa cơn “nghiền”. Lợi dụng điều này, giới dân buôn chụp giật cũng không bỏ lỡ cơ hội làm tiền người tiêu dùng bằng đủ các chiêu thức lừa đảo. Loại hình lừa đảo phổ biến nhất được nhiều cửa hàng điện thoại sử dụng hiện nay là buôn bán các loại “hàng dựng”.
Theo chủ một cửa hàng chuyên kinh doanh mặt hàng iPhone thì trên 90% máy iPhone 5 và 5s được gọi là mới trên thị trường hiện nay nếu bán tại các cửa hàng không phải chính hãng của Vinaphone, Viettel thì hầu hết là hàng dựng lại. Người chủ cửa hàng này cho biết, thực tế thì so với chi phí mua 1 iPhone 4s hoặc iPhone 5 tại Quảng Châu khi đem về bán cho khách hàng trong nước người bán thường ăn lãi gần gấp đôi. Điều đáng nói là những chiếc iPhone này đều được “dựng” lại bằng cách đóng mới, chỉnh trang lại bộ vỏ rồi quảng cáo là mới để câu khách. Hầu hết với những máy kiểu này các cửa hàng bán máy chỉ bảo hành trách nhiệm 1 tháng.
Đóng lại niêm phong
Do nắm được tâm lí của người tiêu dùng đợi khi sản phẩm iPhone 6 ra mắt, các dòng điện thoại iPhone cũ sẽ giảm giá, nhiều người kinh doanh loại điện thoại này đã đóng lại hộp iPhone 5s cũ như mới rồi bán với giá cao. Chiêu thức này được dân trong nghề gọi là đóng lại seal (niêm phong). Do nhiều người mặc định hàng nguyên seal tức là hàng chưa hề bóc, nguyên đai nguyên kiện từ nhà máy đưa ra nên không ít gian thương đã tìm cách mua lại những lô máy cũ từ các quốc gia khác được bán thanh lí đem về Việt Nam đóng lại vỏ hộp.
Thậm chí nhiều người cũng dựa vào trò này để bắt chẹt khách hàng theo kiểu: đã bóc seal là phải lấy, nguyên seal là giá phải đắt… Với công nghệ đóng seal khá phổ biến hiện nay, một chiếc iPhone đã qua sử dụng, cộng thêm phụ kiện sạc cáp tai nghe hàng lô, chỉ trong vòng 5 phút đã trở thành một chiếc máy mới 100% chưa hề mở hộp và bán giá cao ngất ngưởng. Với những ai không biết xem máy thì rất có thể sẽ trở thành nạn nhân của những người lừa đảo của chiêu trò này. Mặc dù hãng công nghệ Apple đã có chức năng kiểm tra sản phẩm trực tuyến, giúp khách hàng tra cứu thông tin ngày xuất xưởng và tình trạng bảo hành của sản phẩm nhưng trên thực tế không phải khách mua nào cũng rành rẽ về những điều này.
Bỗng dưng nhặt được điện thoại
Không chỉ bị mắc lừa với những thủ đoạn tinh vi mà còn có nhiều người bị lừa một cách cay đắng với những thủ đoạn rất cũ, rất đơn giản tưởng như ai cũng biết. Đến khi bị lừa thì chỉ biết trách bản thân mình. Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ của phòng Cảnh sát Hình sự, Công an TP Hà Nội cho biết, một cách thức lừa đảo điện thoại iPhone đang phổ biến hiện nay nhằm vào những người nhẹ dạ và hám của rẻ, ít có kinh nghiệm sử dụng các sản phẩm điện thoại cao cấp này.
Đó là kẻ lừa đảo thường đóng vai những người lao động như buôn đồng nát, bán vé số, hoặc công nhân, dọn nhà giúp việc… ở quê ra thành phố, tình cờ nhặt được chiếc điện thoại xịn nhưng không biết tắt máy hoặc không biết cách dùng nên bán rẻ. Hầu hết những điện thoại iPhone mà các đối tượng này bán thực chất là iPhone nhái của Trung Quốc giá chỉ vài trăm nghìn đồng. Phần lớn nạn nhân bị lừa bởi khả năng diễn kịch như thật của kẻ lừa đảo. Nạn nhân do thiếu hiểu biết dễ tin là điện thoại thật, nghĩ mình gặp may vì mua được điện thoại xịn với giá rẻ nên cũng muốn mua bán nhanh, chẳng kịp kiểm tra kĩ, có khi lại còn cho thêm kẻ lừa đảo một đôi trăm vì thương hoàn cảnh khó khăn. Chỉ sau khi kẻ lừa đảo biến mất, nạn nhân xem kĩ máy hoặc nhờ người khác kiểm tra mới biết là máy đểu.
Đánh tráo iPhone
Thêm một phương thức lừa đảo điện thoại iPhone khác được cán bộ của phòng CSHS cảnh báo, đó là các đối tượng đánh tráo iPhone. Quy trình lừa đảo của các đối tượng này thường diễn ra theo kịch bản đăng bán hàng trên các trang rao vặt. Khi khách hàng có nhu cầu mua, chúng sẽ hẹn nơi giao dịch. Khi người mua đến điểm hẹn, chúng sẽ hỏi về quần áo, phương tiện để nhận diện và bảo khách hàng chờ ít phút. Tuy nhiên, chúng cố tình để người mua phải chờ khá lâu và phải nôn nóng điện thoại cho chúng nhiều lần.
Cùng khoảng thời gian này, chúng sẽ nấp ở đâu đó gần đấy rình xem khách hàng đi một mình hay với ai để lên phương án tiếp cận. Nếu phát hiện đi một mình, chúng sẽ cho vài ba đối tượng xuất hiện. Lúc đầu, các đối tượng này sẽ đưa máy thật, còn mới cho khách xem để bạn tin tưởng và dễ dàng sập bẫy. Sau khi khách hàng đồng ý mua, chúng phân công kẻ cầm máy, kẻ thu tiền rồi tìm cớ đánh lạc hướng khách hàng để tráo máy rởm. Nhận tiền xong, các đối tượng sẽ đi ngay để tránh bị phát hiện. Theo cán bộ của phòng CSHS, điểm dễ nhận diện của nhóm lừa đảo này là chỉ chấp nhận giao dịch ở ngoài đường. Nếu khách hàng yêu cầu gặp ở tại quán cà phê chúng sẽ tìm cách né tránh, thay đổi điểm hẹn hoặc không giao dịch nữa. Không chỉ lừa đảo với người tiêu dùng, cũng với chiêu thức tráo đổi điện thoại, các đối tượng còn nhắm vào cả các cửa hiệu điện thoại hoặc cửa hiệu cẩm đồ. Lợi dụng sự sơ hở, mất cảnh giác của các chủ cửa hàng điện thoại và cầm đồ, các đối tượng này sẽ nhanh chóng đánh tráo những chiếc iPhone thật bằng những chiếc iPhone rởm sản xuất ở Trung Quốc.
Lời khuyên cho khách hàng muốn sở hữu điện thoại đắt tiền
Nói tóm lại, thị trường iPhone ở Việt Nam với những thật giả, trắng đen lẫn lộn đang khiến cho người tiêu dùng lạc vào mê cung của những kịch bản lừa đảo và phải mất tiền oan. Điện thoại đắt tiền, các kịch bản lừa thì ngày càng tinh vi, với đủ mánh khóe lôi kéo, đưa dẫn nạn nhân sập bẫy. Để tránh mua phải những sản phẩm iPhone cũ, kém chất lượng hoặc bị lừa đào, một lời khuyên được các chuyên gia đưa ra với người mua hàng là cần cẩn thận với những người bán hàng không có địa chỉ, không có số điện thoại rõ ràng cũng như những lời chào mua điện thoại giá rẻ hơn nhiều so với thị trường.
Ngoài ra, trước khi giao dịch cần phải tìm hiểu các thông tin trên mạng, hỏi những người có kinh nghiệm để biết chính xác về món hàng, các phụ kiện kèm theo, phải đến xem trực tiếp món hàng, thử hết các tính năng, thời gian và điều kiện bảo hành, thời gian và điều kiện trả lại máy v.v… Không nên giao dịch ở những quán trà đá, vỉa hè hoặc một địa chỉ bất kì ngoài đường. Người mua cũng không nên giao tiền trước khi nhận được hàng, đặc biệt với những người bán mới, không quen biết. Đối với với những chiếc điện thoại iPhone mới, có giá trị cao, người mua nên chọn mua ở các cửa hàng, thương gia hay thành viên đã có thương hiệu, uy tín, có địa chỉ rõ ràng. Khi mua hàng mới nguyên hộp cần bóc máy để kiểm tra phụ kiện và kết nối với máy tính để xác thực. Các thông số khi kết nối sẽ báo chính xác và trùng khớp số Serial, Imei, thậm chí là màu máy (đen hoặc trắng). Đối với những dòng máy đã cũ, cần cảnh giác với những lời rao bán máy mới nguyên hộp trên thị trường trong khi các cửa hàng bán hàng chính hãng đã xác nhận hết lượng hàng tồn kho. Bởi đây rất có thể chỉ là hàng dựng lại. Và để không trở thành nạn nhân của những đối tượng lừa đảo, người dân cần nên cảnh giác, trở thành một người tiêu dùng thông minh, không nên ham bẫy giá rẻ mà bọn lừa đảo giăng ra.
Theo An Ninh Thủ Đô.
VN-Zone -
Tin nhanh công nghệ -
Tin tuc cong nghe -
Thong tin cong ngheXem thêm các bài viết khác