Friday, April 25, 2014

Điện thoại thương hiệu Việt tự giết chính mình

Nhiều độc giả cho rằng, không phải Samsung, Nokia chèn ép điện thoại Việt, mà do chính sách phát triển của các thương hiệu Việt đã tạo ấn tượng không tốt cho người dùng trong nước.
Sau phát biểu của ông Nguyễn Quốc Bảo - Tổng giám đốc Thành Công Mobile, cho rằng chính sách định giá của Nokia, Samsung đã giết chết nhiều thương hiệu điện thoại Việt, nhiều độc giả đã gửi phản hồi theo quan điểm không đồng tình với nhận định trên.
Độc giả Huỳnh Luận chia sẻ: “Điện thoại Việt thất bại ngay trên sân nhà vì họ chưa đủ tin cậy để khiến người dùng ưa chuộng. Tôi từng dùng qua một số điện thoại thông minh của một hãng Việt Nam, từ đó luôn tự nhủ một câu trong đầu, không có tiền thà mua điện thoại phổ thông dùng còn hơn là mua sản phẩm do Việt Nam sản xuất. Những máy này chạy chậm, giật, đôi khi khiến người dùng mua thêm bực vào người. Các thương hiệu Việt nên học hỏi nhiều ở các thương hiệu nước ngoài vì chiến lược và chất lượng sản phẩm của họ. Thương hiệu Việt không bứt phá là do bản thân họ chưa đáp ứng được nhu cầu của người dùng và chất lượng sản phẩm thua xa những hãng nước ngoài, chứ đừng gán tội cho Nokia hay Samsung”.
Rất nhiều độc giả đồng tình với quan điểm trên, như chia sẻ của chị Phạm Thảo: “Không phải Nokia, Samsung đã giết chết nhiều thương hiệu Việt mà thương hiệu Việt kém cỏi. Nước Mỹ trước khi iPhone ra đời là thị trường màu mỡ của Nokia (Phần Lan) và BlackBerry (Canada). iPhone ra đời đã thay đổi thị trường điện thoại nước Mỹ, đa phần dân số Mỹ chuộng iPhone. Tại sao Apple lại thành công như vậy? Vì họ sáng tạo, tầm nhìn rộng, chiến lược phát triển đúng đắn. Thương hiệu Việt nên học hỏi Apple chứ đừng ở đó mà nói hãng này hãng nọ giết chết nhiều thương hiệu Việt”.
Đánh giá về chất lượng của một số mẫu điện thoại Việt đang được bán trên thị trường hiện nay, một độc giả cho rằng các thương hiệu Việt đang quảng cáo quá đà về sản phẩm, mời người nổi tiếng đến showroom để thu hút người mua và báo cáo doanh thu khủng nhưng bản chất sản phẩm còn nhiều hạn chế. Những mẫu điện thoại này gán mác điện thoại Việt nhưng sản xuất tại Trung Quốc.
Theo độc giả này, bản thân người dùng ngày càng thông thái và họ biết chọn những sản phẩm nào phù hợp với mình. Do đó, việc hãng này “chết”, hãng kia “sống” đều sẽ do người dùng tự đánh giá.
Mẫu smartphone Bavapen vừa ra mắt của Thành Công Mobile. Ảnh: Duy Tín.
Nhiều ý kiến độc giả cho rằng, điện thoại thương hiệu Việt ngoài việc có chất lượng phần cứng chưa tốt (gia công ẩu, nhiều lỗi vặt) thì thiết kế cũng chưa thể khiến người dùng hài lòng. Bạn Phạm Võ Nhật Minh chia sẻ: “Một chiếc điện thoại tuy phần cứng quan trọng nhưng vẻ bề ngoài cũng quan trọng không kém. Điện thoại nếu có cấu hình mạnh nhưng bề ngoài thô kệch xấu xí thì nó ít nhiều vẫn mất điểm. Điện thoại Việt bên trong hơi tệ chút cũng không sao. Nếu các hãng điện thoại Việt chịu chăm chút bề ngoài cho điện thoại đẹp lên một chút, lựa tên nghe hay một chút thì máy có tệ nhưng nhìn bề ngoài sang trọng và tên điện thoại hay thì người mua cũng có thêm cảm tình và đứng lại xem xét”.
Theo cái nhìn của độc giả, các hãng điện thoại Việt cần có một cái nhìn dài hơi hơn và đặc biệt, chăm chút cho sản phẩm tỉ mỉ hơn, đặc biệt là về thiết kế. Việc đặt gia công sản phẩm từ Trung Quốc, sau đó gán mác thương hiệu Việt và bán ra với mức độ Việt hóa không cao, ít kiểm duyệt dẫn tới hậu quả là việc các mẫu máy bán ra không có điểm nhấn, nhiều lỗi trong khi công tác hậu mãi tại Việt Nam cũng chưa thực sự tốt.
Nhiều độc giả đã lấy Pantech làm ví dụ để các thương hiệu Việt có thể học theo. Pantech không phải một hãng điện thoại lớn nhưng đang ngày càng được người dùng ưa chuộng. Đó là nhờ họ đã chứng minh được sức mạnh về công nghệ trong khi giá bán của máy khá rẻ. “Điện thoại thương hiệu Việt muốn được người dùng thừa nhận thì hãy tự chứng minh sức mạnh và chiến lược phát triển của mình”, đó là thông điệp mà nhiều độc giả gửi đến các hãng điện thoại Việt Nam.
Theo Zing

VN-Zone - Tin nhanh công nghệ

No comments:

Post a Comment